Thứ Tư, 14 tháng 11, 2007

DÂN CHỦ TRONG CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN VIỆT NAM

Nguyễn Minh Tuấn
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp Số 10 (45), 2004, tr.62 - 67

Có nhiều quan điểm hiện nay hoài nghi hoặc phủ nhận về sự xuất hiện và tồn tại một truyền thống dân chủ trong điều kiện của một chế độ quân chủ chuyên chế trong lịch sử phong kiến ở Việt Nam. Trong khi đó lại có nhiều quan điểm khẳng định rằng nước ta từ xưa đã có một truyền thống dân chủ, đó là một trong những truyền thống ưu việt của nhân dân được tạo nên trong quá trình dựng nước và giữ nước, và là một cơ sở thuận lợi để xây dựng chế độ làm chủ tập thể, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa hiện nay. Vậy trong truyền thống lịch sử ở nước ta đã thực sự có dân chủ chưa? Trong bài viết này, chúng tôi xin được luận bàn về những biểu hiện và rút ra những đặc tính chung nhất từ tư tưởng đến hiện thực của chế độ dân chủ trong lịch sử, trên cơ sở đó, có thể rút ra những bài học trong việc xây dựng nền dân chủ ở nước ta hiện nay.

Tư tưởng tôn dân

Khác với các quốc gia Phương Tây, kể từ khi lập quốc, tư tưởng tôn dân đã được xem như là một đặc trưng điển hình của các quốc gia Phương Đông nói chung và Việt nam nói riêng. Vai trò của nhân dân thể hiện rõ ở mọi mặt của đời sống xã hội, từ những công việc đời thường đến việc lớn như đắp đê, trị thuỷ, ngăn lũ và chống giặc ngoại xâm, nhân dân có một sức mạnh không thể phủ nhận, và sức mạnh ấy bao giờ cũng là sức mạnh của tập thể.
Ngược dòng lịch sử, trong các triều đại phong kiến Việt nam, giai đoạn được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là giai đoạn phát triển cao nhất trong việc xây dựng một mô hình chính quyền dân chủ đó là mô hình chính quyền thời Lý - Trần. Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, năm 1010 Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long. Tư tưởng trọng dân được khẳng định rõ trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn khi đưa ra nhận định “ý dân” cũng được đặt trong mối liên hệ với “mệnh trời”: “Muốn mưu việc lớn, tính kế muôn đời cho con cháu thì trên phải vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”.
Nhà Lý đã chủ trương xây dựng một mô hình chính quyền thân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, sử dụng kế sách: "ngự binh ư nông". Khác với chính sách cai trị của nhà Đinh, dưới thời vua Lý Công Uẩn, nhà nước không tập trung xây dựng lực lượng quân đội thường trực mạnh mà chú trọng liên kết lực lượng dân đinh trong quần chúng ở khắp nơi. Bản chất của kế sách "ngự binh ư nông" chính là sự vận dụng khéo léo quan điểm "Tĩnh vi nông, động vi binh" khi mà chiến tranh xảy ra có thể huy động được mọi người cùng tham gia quân đội. Điểm tích cực ở kế sách này là xây dựng được lực lượng quốc phòng đủ mạnh, nhưng ngược lại, nhà nước lại không tốn kém nhiều tiền, đồng thời vẫn phát huy được sức mạnh của nhân dân.
Sử cũ chép Nhà Lý đã cho đặt Lầu Chuông trong thành Thăng Long để “dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên”, đây cũng là biểu hiện rất rõ chứng tỏ tư tưởng trọng dân của triều Lý trong lịch sử phong kiến nước ta.
Tiếp đó, thời kỳ từ 1225 - 1400 là giai đoạn cai trị của nhà Trần. Nhà Trần vẫn dựa vào mô hình chính quyền thân dân, thậm chí đạt đến mức độ hoàn thiện. Thời kỳ này nổi lên mô hình coi già làng là người có vai trò lớn trong những quyết sách quan trọng của quốc gia. Dưới thời Trần có hai sự tích khiến cả người nghiên cứu lịch sử trong nước và nước ngoài không khỏi ngạc nhiên đó là tích “Tha tội cho tiểu hiệu Hoàng Cự Đà”
[1] và tích “Hội nghị Diên Hồng”[2]. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến Nhà Trần ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông hung hãn là ở việc nhà Trần biết dựa vào sức mạnh của nhân dân. Có thể nói, tư tưởng dựa vào dân của Trần Hưng Đạo là một minh chứng - một tư tưởng đặc sắc về dân chủ trong lịch sử. Trần Hưng Đạo đưa ra quan niệm “chúng chỉ thành thành” (ý chí của dân chúng là bức thành giữ nước) và tổng kết nguyên nhân thắng lợi như một triết lý dân chủ “vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, nước nhà chung sức”, đặc biệt khi Trần Hưng Đạo sắp qua đời được Vua Trần hỏi về kế giữ nước ông đã nói rằng: “Thần nghĩ ta thắng giặc giữ là do trên dưới đồng lòng...vì vậy, khoan thứ sức dân làm kế gốc rễ bền, ấy là thượng sách giữ nước”[3].
Tiếp nối tư tưởng trọng dân trong quan điểm của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đã tiếp tục đưa ra những tư tưởng sâu sắc về vai trò cũng như sức mạnh của dân, nâng tư tưởng này lên tầm triết lý.
Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã thể hiện rõ tư tưởng an dân và trừ bạo ngược: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
[4] Nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh đã được Nguyễn Trãi đúc kết: “Nêu hiệu gậy làm cờ, tập hợp khắp bốn phương dân chúng. Thết quân rượu hoà nước, dưới trên đều một bụng cha con”. Nguyễn Trãi ví dân như nước, các triều đại phong kiến như con thuyền; thuyền nổi được là nhờ nước, nước có tác dụng chở thuyền nhưng cũng có sức mạnh lật thuyền: “phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ” (thuyền bị lật mới biết sức dân như nước); “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”[5]; khẳng định trách nhiệm của người cầm quyền: “Phàm người có chức vụ coi quan trị dân đều phải theo phép công bằng...đổi bỏ thói tham ô, sửa trừ tệ lười biếng, coi công việc của quốc gia là công việc của mình; lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ”[6].

Sự điều tiết ngược
Khi nói về nhà nước quân chủ trung ương tập quyền trong lịch sử phong kiến nước ta nhiều công trình đã nhấn mạnh đến tính chất chuyên chế, độc tài của các nhà nước đó, mà chưa đánh giá xứng đáng các yếu tố hay tính chất dân chủ hiện diện ngay trong hình thức nhà nước quân chủ ấy, khiến việc đánh giá nhiều khi chưa thực sự toàn diện. Lịch sử đã cho thấy trong mọi quyết sách của nhà cầm quyền dù ở bất cứ thời kỳ nào cũng đều phải xem xét đến lợi ích của nhân dân, sức mạnh của nhân dân. Dân chủ trong lịch sử ở mức độ nhất định đã mạnh đến mức có khả năng tạo ra sự đối trọng lại với quyết sách của nhà cầm quyền. Điều này chúng tôi tạm cho đó là “sự điều tiết ngược”. Việc ra các quyết định chỉ chú ý đến lợi ích của người ban hành quyết định, mà còn cả người thực hiện các quyết định đó.
Thứ nhất, trong chế độ phong kiến, mọi quyết sách của nhà vua không thể không tính đến mối quan hệ làng - nước, không thể không tính đến lợi ích của nhân dân. Vua luôn đặt mình ở vị trí con trời, “thế thiên hành đạo” thay trời để trị dân. Thời kỳ nào nhà cầm quyền không dựa vào sức mạnh của nhân dân thì thời kỳ đó, chính quyền đó không thể được coi là mạnh.
Nhiều triều đại phong kiến Việt Nam coi lòng dân là ý trời và rất quan tâm tới việc kết hợp lòng dân với ý trời. Quan niệm lòng dân tức là ý trời được thể hiện ở các điềm lành (mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt) hay điềm dữ (bệnh tật, mưa bão, lũ lụt, mất mùa...). Người cầm quyền cai trị có đức, làm việc tốt, hợp lòng dân thì trời xuống điềm lành; không có đức, ăn chơi xa xỉ, hoang phí, hại dân, dân oán thì trời xuống điềm dữ để răn bảo.
Sử cũ chép lại: sang đến đầu thế kỷ XI, Hồ Quý Ly chuẩn bị kháng chiến chống quân Minh xâm lược, xây dựng lực lượng quân thường trực khá đông, có súng thần cơ, có nhiều chiến thuyền, nhưng không đoàn kết được toàn dân, lòng dân ly tán nên đã thất bại, cha con Hồ Quý Ly đều bị giặc Minh bắt, lúc đó Hồ Nguyên Trừng đã chỉ rõ nguyên nhân của sự thất bại chỉ thông qua một câu nói: “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi [7].
Sử cũ chép lại: Trạng nguyên Giáp Hải, quan đại thần thời Mạc Mậu Hợp, thấy chính sách của nhà Mạc không xuất phát từ lợi ích của nhân dân, gặp khi có bão lớn, ông đã dâng sớ lên vua Mạc và nói rằng: “Trời ra tai không phải vô cớ, chính ở người mà ra. Tai biến về gió bão là trời hiện điềm để răn bảo... Vậy xin bệ hạ lấy sự biến của trời là đáng sợ, coi nhân sự là cần phải sửa...thi hành mọi điều khoan tất cho dân; ban ra ân dụ để tha những dân vô tội bị ức hiếp; đặc biệt sai quan sở tại thăm nom giúp đỡ luôn. Có thế, ơn của trên ban xuống mới thấm đến kẻ dưới. Lòng người đã vui, tai trời sẽ hết...Xin bệ hạ tôn trọng gốc nước, cố kết lòng dân, hậu đãi mà đừng làm khốn dân; giúp đỡ mà đừng làm hại dân...nhẹ bớt cho dân những việc phục dịch tức là chính sách của vương đạo đó”[8].
Đại thần Ngô Trí Hoà đã cùng đại thần Lê Tri Bật vào năm 1618 làm tờ khai dâng chúa Trịnh điều trần về chính sách trị dân của triều đình gồm 6 việc có lợi cho dân: “1. Xin sửa đức chính để cầu mệnh trời giúp; 2. Xin đè nén kẻ quyền hào để nuôi sức dân; 3. Xin cấm phu dịch phiền hà để đời sống của dân được đầy đủ; 4. Xin bớt xa xỉ để của dân được thừa thãi; 5. Xin dẹp trộm cướp để dân được yên; 6. Xin sửa sang quân chính để bảo vệ tính mạng cho dân”[9].
Nếu suy xét rộng hơn, về mặt nguồn gốc tư tưởng dân chủ đó, một phần là sự ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng dân vi bản trong triết lý Nho gia thời Tiên Tần, đó là thuyết “dân quý quân khinh”, thuyết “dân là nước, vua là thuyền” của Tuân Tử... mà điểm đặc sắc nhất có lẽ là ở luận điểm cho rằng an nguy quốc gia, chính trị có bình ổn hay động loạn được quyết định bởi lòng dân thuận hay nghịch “trời sinh ra dân, không phải sinh ra ra vì vua; trời lập ra vua cũng là vì dân”[10].
Thứ hai, nhân dân có khả năng tạo ra sự đối trọng với nhà cầm quyền: Trước thời kỳ phong kiến, trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, làng trong lịch sử Việt Nam là một đơn vị tụ cư, có không gian và chiều sâu văn hoá riêng, được sử dụng như một đơn vị hành chính cơ sở mà nhà nước phải dựa vào. Trong số những dòng phát triển khác nhau của thời kỳ Bắc thuộc ở nước ta (179 TrCN đến 905 SCN), có hai dòng đối nghịch luôn luôn diễn ra một cách quyết liệt trên đất nước ta, đó là Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, trong đó có thể kể đến hàng loạt các cuộc khởi nghĩa chống lại chính quyền đô hộ và Luật pháp cuả nhà Hán[11]. Với một thời gian dài, sự xung đột đó đã tạo ra một hiệu ứng nghịch đó là thái độ phản kháng lại nhà nước và pháp luật thời bấy giờ.
Lịch sử cho thấy nếu chính quyền triều đại nào không giải quyết tốt mối quan hệ Làng - nước, hệ quả tất yếu là sẽ có những cuộc binh biến và các cuộc nổi dậy chống chính quyền triều đại đó. Tư tưởng bạo động chính trị có cả trong những câu nói truyền khẩu dân gian “Được làm vua, thua làm giặc”; “Bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa”; “Thà rằng bạo động bất lương, còn hơn chết đói nằm đường thối thây”[12]. Như vậy về mặt chính trị, tư tưởng dân chủ cao nhất của nhân dân là bạo động chống lại chế độ chuyên chế, lật đổ bọn bạo chúa, tham quan, cường hào với ước mơ một xã hội công bằng.
Sử cũ chép lại khi Ngô Quyền mất, nội bộ Nhà Ngô mâu thuẫn đã tạo điều kiện cho các thổ hào thứ sử địa phương nổi dậy. Năm 965, khi Xương Văn qua đời, đất nước rơi vào tình cảnh chia cắt, hỗn loạn, nổi lên 12 vùng đất biệt lập, do 12 thủ lĩnh đứng đầu. Đến cuối thời kỳ nhà Lý, nhất là từ đời Lý Anh Tông (1138 – 1175) khi chính sự dần sút kém, vua lên ngôi còn nhỏ, quyền hành nằm trong tay ngoại thích mà không ít là bọn hại nước, hại dân, lộng hành, tham bạo. Các cuộc nổi dậy của dân chúng diễn ra liên miên, như cuộc nổi dậy của Thân Lợi (1140); của Nùng Khải Lai ở Đại Hoàng (1151); cuộc nổi dậy của Hồ Đỗ ở Diễn Châu (1198)[13]

Dân chủ công xã
Nhận định chung về đặc tính dân chủ phong kiến Việt nam là dân chủ công xã. Nếu như ở Phương Tây chủ thể và đồng thời cũng là trung tâm của lý thuyết dân chủ bao giờ cũng là cá nhân độc lập, thì ở nước ta thời kỳ phong kiến, không thể có dân chủ thực sự nếu cá nhân không đặt mình trong một tập thể công xã. Quyền bình đẳng và dân chủ giữa các thành viên được thừa nhận khi họ là thành viên công xã, là bộ phận tạo thành của cộng đồng.
Vậy nên, chúng tôi quan niệm rằng khi nói đến dân chủ cần phải suy xét xem dân ở đây là ai và dân được hình dung trong tập hợp thế nào? Làm chủ cái gì và làm chủ như thế nào?. Dân chủ công xã trong lịch sử có những điểm tích cực (động lực quan trọng để duy trì và phát huy một truyền thống yêu nước, và truyền thống đoàn kết, bất khuất, chống giặc ngoại xâm). Ngược lại, cũng vì đó là dân chủ tập thể, nhưng yếu tố cá nhân dường như bị chìm đi và dân chủ sẽ không tồn tại nếu cá nhân đó không đặt trong quan hệ với tập thể công xã. Rõ ràng dân chủ công xã là một sức mạnh, song sức mạnh ấy không dựa trên sự giải phóng con người và tôn trọng quyền của con người, mà trói chặt con người trong quan hệ cộng đồng và chỉ bảo đảm quyền lợi bình đẳng của con người với tư cách là thành viên cộng đồng. Xét dưới góc độ người dân sống theo nghĩa đồng bào thời kỳ phong kiến, cộng đồng xã hội như vậy, sự làm chủ ở đây có chăng chỉ là việc chủ động làm tròn nghĩa vụ, đền đáp ơn nghĩa tổ tiên, là tình nghĩa đồng bào ruột thịt [14].
Một điểm cũng rất dễ nhận thấy là trong đấu tranh xã hội, tư tưởng dân chủ của nông dân Việt Nam chỉ dừng lại ở yêu cầu bình đẳng xã hội, bình đẳng tài sản mà mức độ phát triển cao nhất là chủ nghĩa bình quân về kinh tế – xã hội. Tư tưởng đó gắn liền với tâm lý người nông dân công xã, người sản xuất nhỏ. Dân chủ công xã có mặt chính đáng và tích cực, đó là tạo ra áp lực và đối trọng với triều đình phong kiến chống lại chế độ chuyên chế, chống những bất công của xã hội phong kiến, nhưng ở một khía cạnh khác, tư tưởng dân chủ này cũng bộc lộ sự bất lực của người nông dân trong việc tự giải phóng mình.
Qua việc phân tích và chỉ ra những đặc tính về dân chủ trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có thể rút ra được những nhận định sau: Thứ nhất, từ xa xưa trong suốt thời kỳ phong kiến nước ta đã có một truyền thống dân chủ, dân chủ không chỉ dừng lại ở tư tưởng, học thuyết mà đã được hiện thực hoá trong cách thức tổ chức nhà nước và phương thức cai trị của nhà cầm quyền; Thứ hai, đó là sự điều tiết ngược, nhân dân có khả năng tạo ra sức mạnh đối trọng với nhà nước và pháp luật bằng ra các cuộc bạo động về chính trị; Thứ ba dân chủ trong chế độ phong kiến Việt nam là dân chủ công xã.

Kết luận

Mỗi một quốc gia, một dân tộc đều có những đặc tính dân chủ khác nhau vì dân chủ luôn được đặt trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể, do vậy cách hiểu về dân chủ sẽ không giống nhau. Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng, muốn xây dựng dân chủ thực sự cần phải đặt dân chủ trong mối liên hệ chặt chẽ với pháp luật. Pháp luật là đại lượng và phương tiện của dân chủ. Dân chủ là mục tiêu, điều kiện và động lực hoàn thiện pháp luật và chỉ trong điều kiện pháp luật được tôn trọng, được tuân thủ mới có thể có dân chủ, kỷ cương; ngược lại pháp luật muốn làm tốt được vai trò của mình là đại lượng và phương tiện của dân chủ thì pháp luật phải thực sự phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Hành lang pháp lý và các qui tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội sẽ là giới hạn đảm bảo cho mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức có kỷ cương, có tự do dân chủ và không vi phạm dân chủ.[15] Nhưng hiểu được giá trị quý giá của dân chủ với tư cách là một nguồn chủ yếu của cơ hội xã hội chưa đủ, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu các cách thức và phương tiện để làm cho nó hoạt động tốt và phát huy các tiềm năng của nó. Nói như Amartya Sen thì việc đạt được công bằng xã hội không những tuỳ thuộc vào các hình thức thể chế (kể cả các qui tắc và các qui định dân chủ), mà còn tuỳ thuộc vào việc thực thi dân chủ một cách có hiệu quả[16]. Tóm lại, hiểu rõ đặc tính dân chủ trong lịch sử là vô cùng quan trọng đặc biệt trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay, chính vì lẽ đó dân chủ cần phải được xem xét trên nhiều bình diện. Chúng ta tiếp thu những tiến bộ của nhân loại về dân chủ, nhưng cũng phải tính đến điều kiện tiếp nhận, cũng như khả năng tiếp nhận nó trong hoàn cảnh cụ thể ở nước ta./.

------------

Chú thích
[1] Xem Đại Việt Sử Ký toàn thư, Bản in nội các quan Bản Mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), tr174: “Vào năm 1257 (Đinh Tỵ), năm thứ 7 trị vì của Vua Trần Thái Tông có câu truyện: “Trước kia có lần vua Trần Thái Tông ban xoài cho những người hầu cận, đến lượt Cự Đà thì hết, Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên tới Đông Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn. Đến Hoàng giang (Khúc sông Hồng ở phía trên Nam Định, khoảng ngã ba Tuần Vương) gặp Hoàng Thái Tử đi thuyền ngược lên, Cự Đà lánh sang bờ sông bên kia, thuyền chạy rất gấp. Quan quân gọi lớn: “Quân Nguyên ở đâu?”. Cự Đà đã trả lời: “Không biết, đi mà hỏi những người ăn xoài ấy”. Thái tử lúc đó đã xin vua cha khép Cự Đà vào cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung”. Vua Trần đã nói: “Cự Đà tội đáng chết cả họ, song xét thấy việc Cự Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho phép hắn đánh giặc chuộc tội”.

[2] Xem Đại Việt Sử Ký toàn thư, Bản in nội các quan Bản Mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), tr189: “Vào năm 1282 (Nhâm Ngọ), năm thứ 6 trị vì của vua Trần Nhân Tông: “Tháng 12, Trần Phủ từ Nguyên trở về, tâu rằng vua Nguyên sai bọn thái tử Trấn Nam Vương, Thoát Hoan, Bình Chương A Lạt và A Lý Hải Nha đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia đường vào cướp nước ta. Vua Trần Nhân Tông đã triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến tiệc và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.”

[3] Xem Lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà nội, tập 1 tr.80

[4] Xem Nguyễn Trãi, Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, 1976, tr.201

[5] Xem Nguyễn Trãi, Toàn tập, Sđd, tr. 200

[6] Xem Nguyễn Trãi, Toàn tập, Sđd, tr. 199 

[7] Xem Lịch sử Việt Nam, Sđd, tr. 235

[8] Xem Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, 1992, tập 1, tr256 – 257. 

[9] Xem Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tr.271 – 272; 

[10] Xem Du Vinh Căn, Tổng quan tư tưởng pháp luật Nho gia, Nhà xuất bản nhân dân Quảng Tây, 2002
  
[11] Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43); Bà Triệu (248); Lý Bí (542); Đinh Kiến (687); Mai Hắc Đế (722); Phùng Hưng (791).

[12] Phan Huy Lê. Tìm về cội nguồn. Nhà xuất bản thế giới, Hà nội, 1999, Tập I, tr.112 

[13] Trương Hữu Quýnh (Chủ biên). Đại cương lịch sử Việt Nam (Tập I). Nhà xuất bản giáo dục, Hà nội, 2000, tr. 166

[14] Xem Phan Đại Doãn (Chủ biên), Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà nội, 1998, tr.107.

[15] Xem Hoàng Thị Kim Quế, Dân chủ và pháp luật, Tạp chí dân chủ và pháp luật, Số 7 (136) tháng 7 năm 2003; tr3

[16] Amartya Sen (người đạt giải thưởng Nobel về kinh tế học), Phát triển là quyền tự do, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương và Nhà xuất bản thống kê phối hợp xuất bản, Hà nội, 2002.