Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2007

TÒA ÁN VÀ XÉT XỬ THỜI PHONG KIẾN

Nguyễn Minh Tuấn

Dưới thời Đinh, quyền tư pháp tập trung triệt để trong tay nhà vua. Nhà vua đích thân xem xét việc trừng phạt các vụ phạm pháp, và việc trừng phạt các can phạm được diễn ra ngay trước cung điện nhà vua. Đến thời Tiền Lê quyền tư pháp tuyệt đối thuộc về nhà vua vẫn được áp dụng triệt để.

Dưới thời Lý (1010 – 1225), nhà vua tuy vẫn còn giữ lấy quyền xét xử các vụ kiện tụng trong nước như các vị vua đời trước, nhưng đã san sẻ bớt quyền này cho các quan địa phương.


Thời Lê Thánh Tông, cả nước chia thành 12 Đạo, mỗi đạo có một Tòa Đô, Tòa Thừa, Tòa Hiến. Tòa Đô coi việc binh, Tòa Thừa coi việc hành chính, Tòa Hiến coi việc hình án.



Đứng đầu Tòa Hiến có 2 vị quan: Hiến sát chánh sứHiến sát phó sứ. Hồi đó, trong nước có tất cả có 52 phủ, 172 huyện và 50 Châu. Các quan phủ, huyện, châu đều có quyền xét xử cả hình án.


Từ đời vua Lê Thần Tông cho đến hết đời Lê (1649 – 1788) có các tòa:
1) Tòa đệ nhất cấp là Tòa án cấp dưới cùng đứng đầu là các quan Huyện,
2) Tòa đệ nhị cấp đặt ở mỗi Phủ và do quan Phủ chủ tọa,
3) Tòa đệ tam cấp đặt ở mỗi Đạo gọi là Thừa ti,
4) Tòa đệ tứ cấp gọi là Hiến ty cũng được đặt ở cấp Đạo,
5) Tòa phúc thẩm ở mỗi Đạo gọi là Tòa giám sát có một vị quan đứng đầu gọi là quan Giám sát (về sau đổi tên gọi là quan Cai Đạo)
6) Tòa án cao cấp nhất trong nước là Ngự Sử Đài. Thành viên Ngự sử đài là các quan ngự sử đóng ở kinh đô.





Việc xét xử những vụ việc thông thường chủ yếu diễn ra ở cấp xã. Xã nào cũng có pháp đình riêng do nhân vật quan trọng nhất trong xã chủ tọa. Trước đời nhà Nguyễn vị chủ tịch pháp đình hàng xã thường là vị xã trưởng, vì trong thời kỳ này xã trưởng là người có uy tín nhất trong xã. Nhưng tình hình này đã thay đổi hẳn dưới triều Nguyễn kể từ năm 1802 trở đi đó là Tiên chỉ - đệ nhất kì mục là người xét xử.
Nhận xét chung:

1. Vua vẫn là người có quyền xét xử tối cao. Các vị quan giải quyết việc kiện tụng trong nước chỉ là những người đại diện của nhà vua thực thi quyền xét xử. Chính vì lẽ đó mà cũng như Trung Hoa, nước ta không có một ngạch pháp quan riêng biệt như các nước Tây Âu cuối thế kỷ 18. Qua các giai đoạn phát triển đã cho thấy hoạt động xét xử đã dần có sự phân cấp, có sự phân công nhiệm vụ giải quyết từng loại công việc cụ thể. Tuy nhiên sự phân cấp đó lại rất thiếu những công cụ giám sát và những ràng buộc về trách nhiệm cụ thể.

2. Tòa án thời phong kiến chưa có sự phân tách giữa chức năng hành chính và chức năng tư pháp. Công tác xét xử không được tách thành một ngạch riêng biệt, độc lập với hoạt động hành chính.

3. Từ các qui định luật pháp đến phân cấp xét xử cũng như thực tế xét xử các vụ việc thời kỳ này cho thấy một đặc điểm chung là "trọng hình, khinh dân". Các qui định pháp luật và thực tiễn xét xử chủ yếu tập trung vào ba lĩnh vực: hình sự, hành chính và quân sự, ít chú trọng và phát triển lĩnh vực pháp luật dân sự. Biểu hiện là đa phần các qui định về dân sự  (Ví dụ trong Bộ luật Hồng Đức, Bộ Luật Gia Long) đều là những qui định có tính hàm hỗn, được thể hiện dưới dạng luật hình và đều có chế tài kèm theo. Trong hoạt động xét xử cũng vậy, bản chất nhiều vụ việc là dân sự nhưng được xét xử và thi hành theo hình thức của luật hình.


4. Ở địa phương, xã trưởng và Tiên chỉ là người xét xử những vấn đề thông thường ở xã, nguồn xét xử chủ yếu là dựa vào lệ làng, hương ước hay khoán ước của làng. Hầu hết những vấn đề tranh chấp trong xã đều được giải quyết tại cấp này. 

5. Phạm vi thẩm quyền của xã trưởng hay Tiên chỉ khá rộng lại không có cơ chế giám sát, không tách bạch chức năng hành chính và xét xử, trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế tất cả những lý do đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộng hành, nạn cường hào, ác bá ở địa phương diễn ra tràn lan.
Thay vì tin tưởng vào sự nghiêm minh và công bằng của pháp luật, người dân chỉ còn hy vọng duy nhất là tin vào lòng tốt của người tiến hành xét xử.