Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2007

HIẾN PHÁP 1946 VÀ VẤN ĐỀ TỔ CHỨC QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC

Nguyễn Minh Tuấn

Bài viết dưới đây của tác giả phân tích những nét độc đáo trên phương diện tổ chức quyền lực nhà nước của bản Hiến pháp năm 1946.

1. Hiến pháp 1946 là hiến pháp không theo bất kì một nguyên mẫu theo cách tổ chức quyền lực nào đã có sẵn trong lịch sử

Hiến pháp 1946 ghi nhận thành quả của Cách mạng Việt Nam, thể hiện tinh thần đại đoàn kết rất sâu sắc: "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo". 

Sau tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, thành lập Nghị viện nhân dân, Nghị viện là nơi thể hiện rõ nét chủ quyền của nhân dân: "Nghị viện là cơ quan có quyền cao nhất". Đến đây, ta thấy nó gần giống hình thức Cộng hòa Đại nghị. Nhưng Điều 43 lại khẳng định: "Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa", điều đó có nghĩa rằng cơ quan hành chính là một cơ quan độc lập. Chưa hết, Hiến pháp năm 1946 không qui định trách nhiệm của Chủ tịch nước trước Nghị viện, mà khẳng định: "Chủ tịch nước không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc". Đến đây, ta lại thấy với thiết chế Chủ tịch nước vừa là người đứng đầu nhà nước đại diện về đối nội, đối ngoại; nhưng cũng là người đứng đầu Chính phủ, và không chịu bất kì trách nhiệm gì trừ tội phản quốc. Qui định này lại cho ta thấy đặc điểm này lại mang dáng dấp của hình thức Cộng hòa Tổng thống.

Điều đặc biệt là sau khi cách mạng Tháng mười Nga năm 1917 thành công, một bản Hiến pháp rất nổi tiếng có hiệu lực ở Liên xô thời điểm đó là Hiến pháp năm 1936, là một người chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không lấy bản Hiến pháp này là khuôn mẫu khi xây dựng Hiến pháp 1946.

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2007

LÀNG XÃ XƯA VÀ NAY




ThS. Nguyễn Minh Tuấn
(Bài viết đã đăng trên Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, số 11 và số 12 năm 2004)



(I) Cơ sở hình thành và những hệ quả

của xã hội làng xã từ cổ truyền đến hiện tại
------


Nguồn gốc sâu xa của mọi sự khác biệt về văn hoá chính là do những khác biệt về điều kiện tự nhiên (địa lý - khí hậu) và xã hội (lịch sử - kinh tế) qui định (Xem thêm Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt nam, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001, tr.36.).

Xét về vị trí địa lý và khí hậu, Việt Nam nằm ở phía Đông Nam Châu Á, diện tích 312.000 km2, có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, đặc thù nắng nóng và mưa nhiều (lượng mưa hàng năm hàng khoảng 1000 mm), với hệ thống sông nước dày đặc, rất thuận lợi cho thực vật phát triển, đặc biệt là lúa nước (Xem Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2003, tr.12-13.).