Thứ Ba, 13 tháng 1, 2009

NHÀ NƯỚC CỘNG HOÀ DÂN CHỦ ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI

Nguyễn Minh Tuấn
(Trích từ sách: Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2007)
Nhà nước Aten được đánh giá là nhà nước dân chủ nhất thời kỳ cổ đại, thậm chí đây còn là hình thức dân chủ sơ khai nhất trong lịch sử từ khi có nhà nước và pháp luật, tính chất dân chủ của nó đặt cơ sở cho nền văn minh Hy La cổ đại và cho toàn bộ nền văn minh Châu Âu thời kỳ cận hiện đại sau này.
1. Sự hình thành nhà nước cộng hoà dân chủ chủ nô Aten


Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng. Nhà nước Aten phát triển đến trình độ cao, suy cho cùng là do yếu tố kinh tế chi phối, quyết định. Về mặt vị trí địa lý, nhà nước Aten ra đời ở miền trung lục địa Hi Lạp, nơi là khu vực có nhiều khoáng sản, có đường bờ biển dài, nhiều vịnh, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế công thương nghiệp (đặc biệt là thương mại đường biển).

Từ thế kỉ 12 TCN, tộc người Đôriêng gồm 4 bộ lạc đến xâm chiếm vùng đồng bằng miền Trung. Từ thế kỉ 8 TCN, 4 bộ lạc này liên minh với nhau hình thành nên Liên minh bộ lạc, đến thế kỉ thứ 7 TCN, đã xây dựng xong thành bang Aten, và thế kỉ 6 TCN thì nhà nước thực sự được hình thành. Những người đứng đầu 4 bộ lạc là quí tộc chủ nô và nắm toàn bộ quyền lực nhà nước.

Tầng lớp chủ nô mới ra đời rất sớm ở Aten, gắn liền với sự phát triển của kinh tế công thương nghiệp, lúc đầu tầng lớp này không có quyền lực nhưng khi kinh tế càng ngày càng phát triển, tầng lớp này ngày càng có thế lực kinh tế. Trong xã hội Aten lúc này có 2 mâu thuẫn cơ bản đó là mâu thuẫn giữa quí tộc chủ nô cũ và quí tộc chủ nô mới; mâu thuẫn giữa giai cấp quí tộc chủ nô nói chung và tầng lớp bình dân, nô lệ.

2- Về quá trình dân chủ hoá nhà nước Aten

Quá trình dân chủ hoá nhà nước Aten gắn liền với các cuộc cải cách của tầng lớp quí tộc chủ nô mới. Tầng lớp này đã đề xướng và lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại sự độc quyền của quí tộc, chủ nô và được sự ủng hộ của tầng lớp bình dân. Tầng lớp chủ nô mới thông qua các cuộc cải cách đã dần nắm được quyền lực chính trị và chuyển hoá chính thể quân chủ chủ nô sang chính thể cộng hoà dân chủ chủ nô.

Quá trình dân chủ hoá nhà nước Aten được tiến hành thông qua 3 cuộc cải cách lớn:

2.1.Cuộc cải cách thứ nhất: Cuộc cải cách của Xô lông (594 TCN)

Xô - lông là một quí tộc chủ nô mới, được bầu vào bộ máy nhà nước. Ông là người mở đầu cho quá trình dân chủ hoá bằng nhiều biện pháp cải cách:
Về kinh tế:
+ Ông ban hành sắc lệnh xoá bỏ mọi nợ nần trong xã hội, cấm quí tộc chủ nô biến nông dân phá sản thành nô lệ;
+ Ban hành sắc lệnh thừa nhận quyền tư hữu tài sản, quyền chuyển nhượng tài sản, qui định mức chiếm hữu tối đa của một quí tộc chủ nô.
+ Thực hiện cải cách về tiền tệ, và chủ trương phát triển xuất nhập khẩu. Mục đích là góp phần giải phóng một số lượng đông nông dân, trở thành lực lượng hậu thuẫn cho cuộc cải cách, góp phần nâng cao địa vị kinh tế của quí tộc chủ nô mới, kích thích công thương nghiệp phát triển.

Về chính trị - xã hội:
Ông tiến hành chia cư dân Aten thành những đẳng cấp có quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau, căn cứ vào mức thu nhập tài sản trong 1 năm.
Đẳng cấp thứ nhất: bao gồm những người có thu nhập lương thực 500 mêđin trong 1 năm;
Đẳng cấp thứ hai: thu nhập từ 300 mêđin, có quyền tham gia hội đồng 400 người;
Đẳng cấp thứ ba: thu nhập từ 200 mêdin, có quyền tham gia hội đồng 400 người và phải tham gia quân đội;
Đẳng cấp thứ tư: thu nhập dưới 200 mêđin, được tham gia vào hội nghị công dân nhưng có điều kiện và không được giữ chức vụ quan trọng, phải đi lính và đóng thuế.


Xô lông thành lập Hội đồng 400 người, mỗi bộ lạc được bầu 100 người thuộc đẳng cấp thứ hai và thứ ba. Hội đồng 400 người là cơ quan hành chính đồng thời là cơ quan tư vấn của nhà nước, đây là cơ quan phải giải quyết những công việc giữa hai phiên họp của hội nghị công dân; phải chuẩn bị những vấn đề đưa ra thảo luận, bàn bạc tại Hội nghị công dân.


Những chuyển biến tích cực mà cuộc cải cách của Xô - lông đã đem lại là: 

+ Về kinh tế, cải cách của Xô lông đã góp phần giải phóng một số lượng đông những người nông dân, trở thành một lực lượng hậu thuẫn cho cuộc cải cách của Xô lông;
+ Cuộc cải cách này góp phần làm nâng cao địa vị kinh tế của quí tộc chủ nô mới;
+ Tạo điều kiện kích thích công thương nghiệp phát triển;
+ Tước bỏ phần nào lợi ịch của tầng lớp quí tộc chủ nô cũ, bắt đầu đặt nền móng cho việc xây dựng nền cộng hoà dân chủ chủ nô.


2.2. Cuộc cải cách thứ hai: Cải cách của Clít-xten

Clitxten là người thuộc tầng lớp quí tộc chủ nô mới, sau cuộc cải cách của Xôlông, Clixten được bầu vào giữ chức vụ quan trọng. 

Cuộc cải cách của Clixten chủ yếu trên lĩnh vực chính trị xã hội:

1. Ông chia Aten thành 3 phân khu, mỗi phân khu chia thành 10 phân khu nhỏ, cứ 3 phân khu ở 3 đơn vị hành chính khác nhau hợp thành 1 bộ lạc mới (mỗi bộ lạc mới bao gồm 3 phân khu nhỏ trong 3 phân khu hành chính). Tất cả hợp thành 10 bộ lạc;

2. Mở rộng hội đồng 400 người thành Hội đồng 500 người. (Mỗi bộ lạc mới bầu 50 người thuộc đẳng cấp thứ hai hoặc ba. Điều kiện để được bầu vào Hội đồng là công dân tự do Aten, phải là nam giới, và từ 18 tuổi trở lên);

3. Thành lập một cơ quan mới có tên là Hội đồng 10 tướng lĩnh, mỗi người đại diện cho 1 bộ lạc mới với điều kiện: có thu nhập lớn nhất trong bộ lạc, đảm bảo về tài sản, và có tài năng về quân sự.

4. Đặt ra Luật bỏ phiếu bằng vỏ sò: Trong phiên họp đầu tiên của Hội nghị công dân họp vào mùa xuân, buộc tất cả công dân Aten có đủ điều kiện tham gia. Trong vỏ sò ghi tên kẻ chống phá nền dân chủ, nếu có 6000 vỏ sò thì kẻ đó bị kết tội là chống đối lại nền dân chủ và bị trục xuất khỏi Aten trong thời gian là 10 năm.
Sau cuộc cải cách này thì chính thể cộng hoà dân chủ chủ nô đã chính thức ra đời. Trong chính thể này, quí tộc chủ nô mới nắm giữ hầu hết các vị trí quan trọng, công dân tự do được tham gia chính trị môt cách rộng rãi, cuộc cải cách này tạo điều kiện cho sự lớn mạnh của nhà nước Aten.

2.3. Cuộc cải cách thứ ba: Cải cách của Pêriclet

Pêriclét đã có công lao lớn nhằm xây dựng Aten phát triền thành một thành bang phát triển về nhiều mặt. 

Cuộc cải cách của Pêriclét diễn ra chủ yếu trên lĩnh vực chính trị - xã hội:

1. Pêriclét đã có công lao rất lớn trong việc tăng quyền lực cho Hội nghị công dân.

Hội nghị công dân là cơ quan hoạt động thường xuyên, cứ 10 ngày tiến hành họp một lần. Trong Hội nghị công dân, các thành viên đều có quyền thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của nhà nước. Qui định này tạo điều kiện cho mọi công dân đều có thể tham gia giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước.


2. Ông cũng là là người đầu tiên tiến hành việc cấp lương cho nhân viên cơ quan nhà nước như sĩ quan, binh lính. Đồng thời thường xuyên tiến hành thực hiện trợ cấp, phúc lợi cho công dân nghèo gặp khó khăn.

3. Tổ chức bộ máy nhà nước Aten

+ Hội nghị công dân: Tính chất cộng hoà của nhà nước này thể hiện rõ nhất ở tổ chức và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Hội nghị công dân

Về tổ chức, thành phần của hội nghị công dân theo qui định của luật năm 451 TCN, những công dân được tham gia Hội nghị này phải là những công dân tự do Aten, là nam giới, đủ 18 tuổi trở lên, có cả cha mẹ là người Aten.

Về thẩm quyền, Hội nghị công dân có quyền quyết định những vấn đề lớn của đất nước như vấn đề chiến tranh, hoà bình; vấn đề xây dựng hay thông qua các đạo luật; giám sát các cơ quan nhà nước khác. Ngoài ra Hội nghị công dân còn có quyền bầu ra các quan chức nhà nước, xét duyệt công việc quan trọng của Toà án, có quyền cung cấp lương thực cho thành phố.

+ Hội đồng 500 người: Được thành lập bởi Hội nghị công dân bằng hình thức bỏ phiếu. Cơ quan này giữ chức năng hành chính, tư vấn. Sau cải cách Clixten thì đây còn là cơ quan đại diện cho nhà nước về đối ngoại, có quyền quản lí về tài chính.

+ Hội đồng 10 tướng lĩnh: Cơ quan này cũng được bầu trong hội nghị công dân. Về chức năng, đây là cơ quan lãnh đạo quân đội, thực hiện chính sách đối ngoại nhưng chịu sự kiểm sát của Hội nghị công dân, nhưng không được hưởng lương.

+ Toà bồi thẩm: Là cơ quan xét xử và giám sát tư pháp cao nhất của nhà nước. Thành phần tham dự toà bồi thẩm rất đông. Dưới thời Pêriclét, có tới 6000 thẩm phán, họ được bầu hàng năm ở Hội nghi công dân bằng hình thức bỏ phiếu. Nhà nước Aten không có Viện công tố, mọi người dân có thể phát đơn kiện - tức là tự khởi tố hoặc là tự bào chữa cho mình. Trong phiên toà sau khi đã nghe hai bên đối chất toà họp kín để quyết định bản án. 


4. Nhận xét chung về tính chất dân chủ của nhà nước cộng hoà dân chủ chủ nô Aten
 
Thành quả rõ nét nhất của nhà nước Aten chính là xây dựng được một nhà nước dân chủ chủ nô đầu tiên trong lịch sử nhân loại, là nhà nước đầu tiên khai sinh ra hình thức DÂN CHỦ TRỰC TIẾP, khai sinh ra hình thức chính thể Cộng hoà. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhà nước Aten có thể phát triển và đạt đến trình độ văn minh cao ở thời cổ đại là do nhà nước này đã liên tục có các cuộc cải cách rất toàn diện từ kinh tế, chính trị, đến văn hoá - xã hội.

1. Ngay từ cuộc cải cách của Xô lông, xu hướng chung của các cuộc cải cách là tước bỏ bớt đặc quyền kinh tế và quyền lợi chính trị của quí tộc; Trong 3 cuộc cải cách thì cải cách của Xô lông đã đưa ra bước đột phá về kinh tế, đây chính là nền móng cơ bản nhất để kinh tế công thương nghiệp phát triển, là cơ sở hạ tầng vững chắc, tạo điều kiện cho các cuộc cải cách về các lĩnh vực chính trị - xã hội của Clít-xten và Pêriclét sau này.

2. Việc phân chia đẳng cấp đã tạo điều kiện cho tầng lớp nông dân và thợ thủ công ngày càng đông đảo, không những thế nó còn tạo điều kiện để củng cố, nâng cao địa vị về kinh tế của quí tộc chủ nô mới, tạo điều kiện kích thích công thương nghiệp phát triển.

3. Thường dân cũng được tham gia vào sinh hoạt chính trị của nhà nước khi thoả mãn 3 điều kiện: là công dân tự do cha và mẹ đều là người Aten, nam giới và đủ 18 tuổi. Đây là một qui định đặc biệt tiến bộ đối với một nhà nước thời kỳ cổ đại.

4. Hội nghị công dân có thực quyền. Đặc biệt hội nghị công dân có nhiều quyền mà không một thiết chế nào trong bộ máy nhà nước có được đó là:


i. + Quyết định vấn đề chiến tranh, hoà bình;
ii. + Xây dựng hay thông qua các đạo luật.
iii. + Có quyền giám sát các cơ quan nhà nước khác;
iv. + Bầu các quan chức nhà nước, xét duyệt công việc quan trọng của Toà án, có quyền cung cấp lương thực cho thành phố, có thực quyền rất lớn.

5. Luật bỏ phiếu bằng vỏ sò để chống lại âm mưu thiết lập nền độc tài là một qui định khá đặc thù, mặc dù còn có hạn chế song phần nào đã khẳng định khát vọng dân chủ, không chỉ ở người dân mà ở cả những nhà cải cách, những người thuộc tầng lớp quí tộc chủ nô mới.

6. Sản phẩm của thể chế dân chủ ở Hy Lạp cổ đại nói chung và nhà nước CHDC chủ nô Aten nói riêng đã đưa Hy Lạp phát triển rực rỡ trở thành đỉnh cao của nền văn minh cổ đại trên nhiều phương diện như văn học (nhiều thể loại thần thoại, thơ ca ra đời); sử học (với những tên tuổi như Hêrôđốt, Tuxiđít); khoa học tự nhiên (với những tên tuổi như Talét, Pitago, Acsimét, ơclít…), Y học (Hyppôcrát). Triết học (Platông, Xôcrat, Arixtốt…);
7. Tuy nhiên tính chất dân chủ của nhà nước Aten cũng có nhiều hạn chế, trước hết ta thấy số lượng những người không được tham gia vào đời sống chính trị là nô lệ và kiều dân chiếm số lượng áp đảo so với số lượng dân tự do. (365.000 nô lệ và 45.000 kiều dân trên tổng số 90.000 dân tự do). Như vậy những người là lực lượng lao động chủ yếu trong xã hội không có quyền công dân. Hơn nữa trong số 90.000 dân tự do, có không quá 30% thoả mãn đầy đủ cả 3 yêu cầu: nam giới, 18 tuổi, cha mẹ là người Aten. Vì rất nhiều người già, phụ nữ và trẻ nhỏ hoặc nam giới 18 tuổi nhưng cha mẹ là kiều dân thì cũng không được tham gia vào đời sống chính trị. Con số cao nhất của Hội nghị công dân ước tính là khoảng 6000 người, lại tập trung ở thủ đô của Aten, do vậy không phải tất cả những người đủ điều kiện ở những nơi khác có thể tham gia. 
-------
Chú thích:

[1] Chính sức mạnh kinh tế và đặc biệt là tính dân chủ cao đã làm cho nhân dân Hy Lạp trong đó thành bang Aten làm nòng cốt đã đánh bại 2 lần xâm lược của quân Ba Tư hùng mạnh.
Bài viết cùng tác giả: 
- Vì sao cần phải có tự do ngôn luận 
- Khi Hiến pháp là công cụ bảo vệ dân quyền
- Ván hiến pháp nổi tiếng về biểu tình Đức năm 1986
- Trường phái pháp luật lịch sĐức 
- Trao đổi về bài viết: "Tội giết người không có người chết?"
- Hiến pháp 1946: Thể hiện cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước 
- Cấm chơi golf ngày nghỉ và những nhầm lẫn về pháp luật
- Tiếp cận pháp luật từ góc nhìn văn hóa
- Phân định ranh giới giữa luật công và luật tư Đức: Lịch sử, tranh luận và gợi m 
- Lập hiến hướng đến pháp quyền ở Việt Nam
- Tương đồng và khác biệt cơ bản giữa nhà nước và pháp luật Phương Đông, Phương Tây cđại
- Hai hệ thống pháp luật Common Law và Civil Law 
- Nhà nước Cộng hòa dân chđầu tiên trong lịch sử nhân loại