Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2009

BÀI HỌC CANH TÂN ĐẤT NƯỚC Ở NHẬT BẢN

Nguyễn Minh Tuấn

Nói đến Nhật Bản hiện nay, người ta biết đến một nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu tính theo GDP, một trong những nước dẫn đầu về khoa học - công nghệ, thu nhập bình quân đầu người gần 40.000 đô la Mỹ/năm.

Có rất nhiều lý do khác nhau để lý giải về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, nhưng một trong những lý do rất quan trọng đó là nước Nhật đã có những cuộc cải cách toàn diện ở những thời khắc có tính chất quyết định.


Xuyên suốt trong các cuộc cải cách lớn của Nhật Bản là chính sách coi trọng chất xám, chủ động học tập nước ngoài để xây dựng, phát triển đất nước.


Chính sách học tập, mở rộng giao thiệp với Phương Tây có từ thời của cuộc cải cách Minh Trị (1). Thời đó vào năm 1871, một sứ đoàn đông đủ các quan chức, do Iwakura Tomoni dẫn đầu đã chu du và khảo cứu kĩ lưỡng văn minh Âu Mỹ (2), chắt lọc những tiến bộ của Hiến pháp ở các nước Châu Âu để góp công xây dựng Hiến pháp đầu tiên ở Châu Á cho nước Nhật (3).


Sau chiến tranh thế giới thứ hai, ai cũng biết Nhật là nước bại trận, hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề. Vậy mà nhờ tư duy mở, học tập và áp dụng những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, tận dụng những phát minh khoa học kĩ thuật ở nước ngoài (4) mà một nước dân số đông, lại nghèo tài nguyên, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi, chỉ hơn một chục năm nước Nhật đã vươn lên đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.

Như vậy từ các cuộc cải cách của Nhật Bản cho thấy, một đất nước cho dù ở những thời điểm khó khăn nhất, nếu lãnh đạo coi trọng chất xám, chủ động học tập và ứng dụng văn minh, tiến bộ của những nước khác để từ đó đưa ra những chính sách phù hợp, nước đó vẫn có thể vươn lên mạnh mẽ. Bài học canh tân đất nước ở Nhật Bản đến nay vẫn còn có ý nghĩa nhiều mặt đối với Việt Nam.
NMT
------------------------------
Chú thích
(1) Cải cách Minh Trị do Thiên hoàng Muhuhitô, hiệu là Mâygi (Minh Trị) thực hiện là cuộc cải cách quan trọng nhất trong lịch sử Nhật Bản. Thiên Hoàng đã đề ra cương lĩnh hành động tỏ rõ chính sách cai trị theo tâm nguyện của dân. Tất cả mọi người đều hành động vì quyền lợi của dân tộc, không phân biệt quan hay dân, ai cũng có thể thực hiện nguyện vọng và phát triển tài năng của mình. [Theo welt atlas und laenderlexikon, cập nhật vào cuối năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở Nhật (BNE pro Einwohner) một năm là 38.950 Đô la Mỹ, ở Đức là 34.870 đô la Mỹ, ở Mỹ là 43.560 đô la Mỹ, Switzerland là 55.320 đô la Mỹ, Luxemburg là 64.100 đô la Mỹ, Trung Quốc là 1.740 đô la Mỹ, Việt Nam là 620 đô la Mỹ. Một nguồn thông tin khác trên báo Dân trí, Vụ trưởng Vụ thống kê tài sản quốc gia (Tổng Cục thống kê) Bùi Bá Cường đưa ra con số thu nhập bình quân cả nước đã đạt 1.024USD/người].

(2). Ở Việt Nam, vào năm 1873, sứ thần Bùi Viện cũng xuất phát từ Hương Cảng qua Nhật rồi qua Mỹ để học những cái hay của nước ngoài để hiến kế cho vua Nguyễn, nhưng rất đáng tiếc cũng giống như nhiều nhà canh tân đất nước bấy giờ, con thuyền của Bùi Viện quá nhỏ bé, nó không đủ sức lay tỉnh một nền văn hóa đóng kín, dị ứng với cách tân thời đó.

(3) http://de.wikipedia.org/wiki/Iwakura_Tomomi

(4) Vào những năm 70 thế kỉ XX, Nhật đã mua 6 tỷ đô la phát minh của nước ngoài, mà theo ước tính nếu tự nghiên cứu Nhật bản sẽ phải mất khoảng 200 tỷ đô la.