Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

100% TIẾN SĨ VÀ SĨ DIỆN CỦA NGƯỜI LÀM TIẾN SĨ Ở MỸ KHÔNG BIẾT TIẾNG ANH

Nguyễn Minh Tuấn

Dư luận chưa hết phản cảm, bức xúc về việc Hà Nội đặt chỉ tiêu 100% cán bộ cấp thành ủy quản lý đến năm 2020 phải có bằng Tiến sĩ, thì gần đây lại phát hiện ra việc một cán bộ có tên là Nguyễn Ngọc Ân lấy được bằng Tiến sĩ ở Mỹ mà không cần biết tiếng Anh. Từ một cử nhân tốt nghiệp tại chức kinh tế- quốc dân đặt tại Phú Thọ, vị này đã bỏ ra số tiền 17.000 USD để có được bằng Tiến sĩ. Trong thời gian làm TS (từ tháng 2-2007 đến tháng 9-2009), ông sang trường ĐH này học chỉ có hai đợt, mỗi đợt một tuần để nghe giảng tiếng Anh (nhưng có người phiên dịch sang tiếng Việt). Khi bảo vệ luận án, cũng có người phiên dịch cho ông từ đầu đến cuối. Ông đã cho biết rằng Trường Đại học Nam Thái Bình Dương không đặt điều kiện những nghiên cứu sinh như ông phải biết tiếng Anh, không phải thi đầu vào, mà chỉ cần gửi đề cương sang để nhà trường chỉnh sửa.

Từ thực tế trên, có hai câu hỏi cần đặt ra để bàn luận: I) Khi giá trị của bằng cấp bị hiểu sai sẽ dẫn đến hệ quả, tác hại gì cho xã hội? và II) Tiến sĩ là ai và thực chất học Tiến sĩ để làm gì?

I. Giá trị của bằng cấp bị hiểu sai?
Chính sách đào tạo, thi cử và tuyển dụng hiện nay thực chất đang đi theo vết xe đổ đã có từ trong lịch sử:

Thủa trước nhà nước đã xây dựng chính sách thi cử để tuyển chọn quan lại. Khoa cử đã trở thành con đường duy nhất đối với người dân quê để thoát nghèo và làm vinh danh cho dòng họ. Cách làm đó cũng dần hình thành một tâm lý tiêu cực trong xã hội là học là vì danh và lợi, "một người làm quan thì cả họ được nhờ". Những người đỗ đạt ra làm quan được gọi là sĩ. Gốc của từ "sĩ" ở đây có hai nghĩa chính. Nghĩa thứ nhất, "sĩ" là vị trí hàng đầu trong hệ thống xã hội thời phong kiến (Sĩ, nông, công, thương) để chỉ người có học thức, đỗ đạt. Nghĩa thứ hai "sĩ" có nghĩa là sĩ diện, tức những biểu hiện bên ngoài làm cho người ta coi trọng mình khi ở trước mặt người khác (danh từ) hoặc muốn làm ra vẻ không thua kém ai, che dấu sự yếu kém của mình, mong được người khác coi trọng (động từ) (1).

Học tập và thi cử thời xưa cũng chỉ đòi hỏi hai tiêu chí là minh kinhnăng văn. Minh kinh tức là đòi hỏi người ứng thí thuộc lòng kinh sử [thuộc Tứ thư (Đại học, Trung Dung, Luận ngữ, Mạnh Tử) và Ngũ kinh (Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu)]. Năng văn là khả năng làm thơ phú, đối đáp. Cách thức thi cử, tuyển chọn người ra làm quan xưa bộc lộ hạn chế nặng về lí thuyết, mà coi nhẹ thực hành, chỉ coi trọng khoa học xã hội, mà ít coi trọng khoa học tự nhiên.

Cơ chế đào tạo, thi cử và tuyển dụng quan lại như thế đã tồn tại gần một nghìn năm, kìm hãm sự phát triển của xã hội, không kích thích được những sáng tạo hoặc đột phá về khoa học hay những cải cách kinh tế. Nhiều chính sách hiện nay cho thấy tác giả của nó vẫn đi theo vết xe đổ từ trong quá khứ như chính sách đặt chỉ tiêu 100% tiến sĩ đối với cán bộ cấp thành ủy quản lý ở Hà nội v.v...Bản chất của chính sách này vẫn coi tiến sĩ giống như một tước vị, nó sai ngay ở việc nhầm lẫn về mục đích của tấm bằng tiến sĩ nhằm đào tạo cán bộ nghiên cứu giảng dạy và yêu cầu đào tạo cán bộ làm công việc quản lý.

Hệ quả của nó trong lịch sử thì đã rõ, ngày nay những chính sách như vậy ngoài khuyến khích việc học ảo, học để lấy bằng, chạy theo thành tích còn đang góp phần tạo ra một hệ quả tiêu cực khác lớn hơn. Những chính sách sai lầm dẫn đến hệ quả là ba lĩnh vực hoạt động cơ bản (lĩnh vực kinh doanh, hoạt động khoa học và hoạt động chính trị - quản lý) luôn trong trạng thái xung đột, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau:

(+) Nhiều người học tiến sĩ sau đó lại chuyển sang làm quản lý. Bằng chứng là có rất nhiều vị giáo sư hay tiến sĩ hiện nay không làm khoa học mà lại chủ yếu đang tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý hoặc hành chính.

(+) Nhiều người làm khoa học, nhưng mức lương lại không đủ sống. Vì không đủ sống nên hoặc họ buộc phải chuyển ra ngoài làm kinh doanh, hoặc phải vừa làm kinh doanh vừa làm khoa học, hoặc vừa làm quản lý, vừa làm khoa học.

(+) Nhiều người làm kinh doanh, có nhiều tiền, có quan hệ, họ bỏ tiền ra đi học, đi bằng nhiều con “đường tắt” để lấy được tấm bằng. Tấm bằng là công cụ để được cất nhắc vào những chức vụ quản lý cao hơn.

Một bức tranh với những vòng luẩn quẩn như vậy đang hiện hữu. Chính sách và luật pháp không tường minh, công bằng tức khắc sẽ tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội, cho những toan tính và lòng tham. Phải chăng những lãng phí lớn về nguồn nhân lực, tâm lý người dân bất an, xã hội chạy theo những thành tích ảo cũng một phần xuất phát từ những chính sách hiểu sai giá trị bằng cấp và động cơ việc thực học như thế?

II. Học tiến sĩ để làm gì?

Tiến sĩ - Ph.D (Doctor of Philosophy) - thực chất là một học vị dành cho những nghiên cứu sinh tốt nghiệp khóa học sau đại học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thuộc một chuyên ngành cụ thể tại một trường đại học hoặc viện nghiên cứu.

Học Tiến sĩ mục đích là để nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học. Có học vị tiến sĩ mới chỉ là một bước khởi đầu trong hoạt động khoa học phía trước còn rất dài. Học Tiến sĩ không phải để làm hành chính hay quản lý. Người làm tiến sĩ suy cho cùng chỉ là người bước đầu có khả năng nghiên cứu và am hiểu sâu về một lĩnh vực chuyên môn hẹp. Thậm chí kể cả khi đã có bằng tiến sĩ, người đó cũng vẫn chưa hẳn đã am hiểu hết chính vấn đề hẹp mà mình nghiên cứu, vì đơn giản khoa học luôn vận động và phát triển không ngừng.

Có được học vị tiến sĩ rồi cũng chưa đủ chứng tỏ năng lực nghiên cứu thực sự của người đó. Để khẳng định năng lực thực sự, người đó phải tiếp tục phấn đấu để có những đóng góp thực sự cho khoa học, cho xã hội thông qua các kết quả nghiên cứu hay giảng dạy.


Có người cho rằng ông Ân đã bị lừa. Trong một bài phỏng vấn gần đây trên báo điện tử Vietnamnet, chính ông cũng thừa nhận rằng mình chỉ là người không may, rằng còn rất nhiều người khác cũng giống ông nhưng chưa bị phát hiện. Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng nhất là ông đã tự lừa chính mình, lừa cả xã hội và đang nhạo báng về giá trị của sự công bằng, cũng như nhạo báng niềm tin của những người học tập thực chất, nghiêm túc.

Thay cho lời kết

Đợt thi tuyển sinh đại học cao đẳng năm nay đang diễn ra dưới cái nóng như đổ lửa. Trong phòng thi người ta thấy những gương mặt căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi của các sĩ tử. Ngoài trời người ta thấy cha mẹ lặn lội từ các vùng quê, đợi con mồ hôi nhễ nhại cùng sự lo lâu về tương lai của con cái mình, về bài toán kinh tế. Ở đâu đó người ta cũng thấy có những vị Tiến sĩ “khả kính”, ngồi mát trong phòng điều hòa đang hí hoáy vẽ ra những dự án, những chính sách kiểu như 100% cán bộ diện thành ủy quản lý bắt buộc phải có bằng tiến sĩ. 



Thực chất cánh cổng đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Nhưng ai, ai sẽ là người thay đổi được nhận thức này nếu không phải từ phía nhà nước

Trước khi thuyết phục được các em học sinh với những lời hay ý đẹp rằng: "Các em học sinh thân mến, nghề nào cũng đáng tôn trọng và cần thiết cả các em ạ, rằng học là để làm việc chứ không phải để lấy cái bằng, làm quan, rằng v.v…và v.v…" thì theo thiển ý của tôi trước tiên mỗi chính sách của nhà nước đưa ra phải mang bộ mặt con người. Chính sách ấy phải hạn chế được lòng tham, tính ích kỷ, kích thích mọi người tích cực lao động, để tất cả những nghề nghiệp, dù giản đơn nhất, mọi người đều có thể tự hào, yên tâm, tập trung vào công việc và quan trọng là sống được bằng đồng lương hay thu nhập chính đáng của mình. 

NMT

-----
(1). Từ "Tiến sĩ" ở Việt Nam đầu tiên xuất hiện hoàn toàn khác với cách hiểu với từ "Tiến sĩ" ngày ngay. Thời phong kiến, từ Tiến sĩ được dùng để chỉ những người đỗ đạt trong kỳ thi Hội, kỳ thì được tổ chức sau một năm của kỳ thi Hương. Những người đỗ Tiến sĩ có thể tham dự kì thi Đình, một kì thi có tính chất phân loại để chọn ra ba người có điểm cao nhất là: Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa.NMT