Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

ĐỒNG TIỀN VÀ ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI HỌC

Học viên lớn tiếng thách thức thầy giáo tại lớp học. Ảnh: Báo Giáo dục Việt nam

Nguyễn Minh Tuấn
Đọc bài viết “Học viên lớn tiếng thách thức thầy giáo ngay trên lớp học” đăng trên Báo Giáo dục Việt Nam ngày 20/4/2012 tôi thực sự bất ngờ, vì không hiểu tại sao học viên Lê Trần Công - một học viên đã lớn tuổi, học ở bậc học cao như vậy lại có thể nghĩ nông cạn và có cách ứng xử thiếu suy nghĩ như vậy. Không hiểu lý do gì mà học viên này tự cho mình cái quyền vô lễ với thầy giáo và lớn tiếng trước lớp rằng “Tôi đóng tiền, tôi học". Không biết có bao nhiêu người như học viên này vẫn lầm tưởng rằng đồng tiền là thước đo mọi chuẩn mực của xã hội, có tiền là có tất cả? 
Quan hệ giữa thầy giáo và học viên trên lớp học thực tế không chỉ là quan hệ xã hội thông thường, mà đây là một quan hệ pháp luật. Quan hệ này được điều chỉnh bởi các qui phạm pháp luật của Luật giáo dục và các văn bản pháp luật có liên quan. Điều này có nghĩa rằng quyền và nghĩa vụ của cả giáo viên và học viên đều đã được pháp luật qui định rõ, mỗi chủ thể được quyền làm gì, nghĩa vụ ra sao đều đã được xác định rõ, bất cứ ai khi đặt vào trường hợp mà Luật giáo dục và các văn bản pháp luật đã qui định đều không thể xử sự khác được. Chẳng hạn học viên có quyền học tập, nhưng quyền đó là quyền có điều kiện, không phải cứ có tiền là đương nhiên trở thành học viên. Học viên phải có đủ điều kiện để được vào học (chẳng hạn như phải thi đỗ hoặc được xét tuyển), đến khi vào học rồi cũng phải thực hiện nội quy, qui định của nhà trường, phải chấp hành pháp luật của Nhà nước (Điều 85 Luật giáo dục). Thầy giáo cũng vậy, bên cạnh quyền được giảng dạy, được quyền kiểm tra, đánh giá, thầy giáo cũng phải có nghĩa vụ gương mẫu, nghĩa vụ thực hiện bài giảng có chất lượng, phải nêu gương tốt cho người học (Điều 72, 73 Luật giáo dục).
Nghĩa vụ đóng tiền mà học viên này đưa ra và nghĩa vụ tuân thủ nội qui của nhà trường là hai việc khác nhau. Không phải đóng tiền là xong, bất cứ ai khi đi học, là học viên cũng đều phải có những nghĩa vụ tuân thủ nội qui của nhà trường, pháp luật của nhà nước.
Ở trên lớp, dù người thầy có trẻ tuổi hơn học viên, thậm chí chỉ đáng tuổi con cháu của học viên đi nữa thì trong lớp, quan hệ giữa thầy giáo và học viên vẫn là một quan hệ pháp luật, thầy vẫn là thầy, trò vẫn là trò. Ở ngoài xã hội, học viên có thể có vị trí công việc rất cao, nhưng khi bước chân vào lớp, người đó vẫn là học viên, vẫn phải tôn trọng thầy dạy của mình và thực hiện đúng nội qui. Hành động uống rượu say vào lớp, chỉ tay, cãi nhau tay đôi, đe dọa thầy giáo của học viên Công là một việc làm vừa trái đạo lý, vừa trái với Luật giáo dục.
Nhiều người viện dẫn, so sánh với môi trường giáo dục ở nước ngoài để biện giải cho trường hợp học viên này tôi thấy không đúng. Ở đâu cũng vậy, kể cả ở nhiều nước tân tiến hiện nay, cho dù có tự do học thuật, nhưng học viên vào lớp học không phải muốn làm gì thì làm mà phải tuân thủ luật pháp và nội qui của nhà trường. Bước vào trường học là bước vào môi trường sư phạm, cả giáo viên và sinh viên đều phải nghiêm túc tuân thủ các nội qui, qui chế của nhà trường. Tôi đã tham dự nhiều giờ giảng của các Giáo sư ở nước ngoài và thấy rằng học viên họ rất đúng mực, luôn tôn trọng giảng viên chứ không có chuyện học viên đứng lên cãi nhau tay đôi, thách thức thầy dạy một cách ngỗ ngược như vậy.
Tôi rất chia sẻ nỗi buồn của người làm thầy với thầy giáo Yêm. Cũng làm nghề dạy học như thầy, trẻ tuổi hơn thầy, đã từng giảng nhiều lớp có học viên lớn tuổi, nhưng tôi chưa từng thấy bao giờ có trường hợp nào mà học viên vô lễ với giáo viên như vậy. Thực sự khi xem đoạn clip này tôi thấy buồn. Buồn vì có người vẫn nghĩ rằng ngày nay đi học chỉ cần có tiền là xong, cốt để có bằng. Buồn vì có những người ở bậc học cao, lớn tuổi nhưng suy nghĩ lại rất hời hợt và ứng xử thì vô lễ, vô ơn với người đã khai sáng tri thức cho mình như thế.
Trường học là môi trường sư phạm, không phải là cái chợ, ở đó không chỉ là môi trường cần đến kiến thức, trí tuệ, mà còn cần đến cả kỉ cương, tình thương và trách nhiệm.
Nghề dạy học người ta ví giống như người làm nghề lái đò. Hết khóa học này lại khóa học khác, hết thế hệ học trò này lại là thế hệ khác và ngày mai lại là một ngày mới.
Mong rằng trường hợp đáng buồn kể trên chỉ là trường hợp rất cá biệt để những người thầy, những "người lái đò" như chúng tôi dù đồng lương còn ít ỏi, cuộc sống còn muôn vàn những khó khăn nhưng vẫn không cảm thấy buồn, thấy cô đơn khi nghĩ về nghề nghiệp của mình, vẫn có cảm hứng và lòng say mê để tiếp tục đem trí tuệ, công sức, tâm huyết của mình cống hiến cho đời, cho xã hội.
--------------------------
Clip ghi lại việc học viên lớn tiếng thách thức thầy giáo ngay trên lớp học.
Nguồn: Youtube/ Báo Giáo dục Việt Nam, truy cập tại đây